Bất động sản phía nam bùng nổ trở lại với nhiều dự án đồng loạt được công bố

Hàng chục dự án thuộc các phân khúc khác nhau được các doanh nghiệp giới thiệu, ra mắt, hứa hẹn nguồn cung đa dạng, khởi động lại thị trường.

Từ cuối năm 2018, thị trường bất động sản TP HCM có sự trầm lắng nhất định qua đợt rà soát pháp lý các dự án. Nguồn cung khan hiếm dẫn đến số lượng căn hộ được bàn giao cũng ít ỏi.

Khảo sát sơ bộ hơn 10 chủ đầu tư lớn trong quý II và III, số lượng dự án được bàn giao chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí, nhiều đơn vị như Đất Xanh, TTC Land, Him Lam, LDG cho biết không có sản phẩm. Chỉ một số ít doanh nghiệp khác như Hưng Thịnh, Nam Long, Khang Điền, Novaland bàn giao một số dự án thuộc quận 9, Tân Phú, Bình Chánh, Thủ Đức.

Tuy nhiên, thị trường cũng vừa đón nhận thông tin về một loạt dự án mới được giới thiệu, thuộc các phân khúc khác nhau như căn hộ, biệt thự trung, cao cấp; căn hộ nghỉ dưỡng…

Tập đoàn Novaland vừa trình làng 9 dự án nhà ở, biệt thự, shophouse…, du lịch nghỉ dưỡng tại TP HCM và các tỉnh lân cận với số lượng ước tính khoảng 3.000 sản phẩm. 6 dự án nhà ở tại TP HCM được giới thiệu như The Grand Manhattan (quận 1), The Palace Residence (quận 2), Golf view Residence (quận 9), Palm Marina (quạn 9), Victory Park (Tân Phú) và một dự án tại Đồng Nai là Aqua City.

Địa ốc phía Nam chuẩn bị đón nhận hàng loạt dự án mới sau thời gian dài trầm lắng - Ảnh 1.

Một dự án của Novaland được giới thiệu. Ảnh: Khổng Chiêm

Novaland còn cho ra mắt mô hình đại đô thị du lịch nghỉ dưỡng giải trí với hai dự án NovaWorld Phan Thiết (Bình Thuận), NovaWorld Hồ Tràm (Bà Rịa – Vũng Tàu). Trong đó, NovaWorld Phan Thiết có quy mô gần 1.000 ha còn NovaWorld Hồ Tràm giai đoạn 1 khoảng 100 ha.

Tập đoàn Alpha King vừa qua cũng ra mắt dự án căn hộ Centennial tại Ba Son, quận 1. Đây là sản phẩm thuộc phân khúc hạng sang ở TP HCM với 410 căn hộ nhưng chỉ chào bán 205 căn, còn lại là căn hộ dịch vụ được chủ đầu tư ủy quyền khai thác.

Ngoài ra, đơn vị này còn giới thiệu ra thị trường căn hộ mẫu tòa tháp Alpha Hill tại điểm giao đường Cống Quỳnh và Nguyễn Cư Trinh, quận 1. Dự án chung cư cao cấp này, cùng với Centennial, đã góp phần lập kỷ lục mặt bằng giá mới cho phân khúc hạng sang ở TP HCM.

Tập đoàn Đất Xanh góp mặt với dự án Opal Boulevard (Thủ Đức) thuộc phân khúc cao cấp. Dự án nằm trong dòng sản phẩm Opal thuộc phân khúc trung, cao cấp do Đất Xanh phát triển ở khu Đông TP HCM. Opal Boulevard bao gồm 2 tòa tháp trên diện tích gần 1,5 ha, có 1.446 căn hộ và 22 căn thương mại dịch vụ.

Một dự án được chờ đợi khác là Vinhomes Grand Park (quận 9) dự kiến cũng được ra mắt trong tháng 6 này, theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC). Vinhomes Grand Park là một dự án quan trọng của chủ đầu tư Vinhomes trong giai đoạn tới. Tổng diện tích dự án khoảng 270ha, bao gồm 4 phân khu chính: Rainbow, Hospitality, Middle và Ocean. Tính đến hiện tại, Rainbow dự kiến sẽ là khu vực đầu tiên được ra mắt thị trường.

Địa ốc phía Nam chuẩn bị đón nhận hàng loạt dự án mới sau thời gian dài trầm lắng - Ảnh 3.

Tiến độ Vinhomes Grand Park.

Không chỉ là các dự án mới được ra mắt, TP HCM cũng sẽ có khoảng 130 dự án nhà ở khác vừa được cập nhật, bổ sung vào Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, thành phố sẽ có 126 dự án nhà ở thương mại gồm 3 dự án tại khu vực trung tâm hiện hữu, 17 dự án tại khu vực nội thành hiện hữu, 60 dự án tại khu vực nội thành phát triển và 46 dự án tại khu vực huyện ngoại thành. Ngoài ra, 4 dự án nhà ở xã hội tại khu vực nội thành cũng được bổ sung vào kế hoạch trên.

Thiếu sản phẩm bình dân

Dễ nhận thấy, các dự án được giới thiệu ra thị trường chủ yếu ở phân khúc trung, cao cấp, không có sản phẩm bình dân. Đây cũng là thực trạng thị trường trong vài quý trở lại đây khi khan hiếm căn hộ giá rẻ. Khảo sát của DKRA thể hiện rõ điều này.

 

Nguồn tổng hợp từ DKRA.

Chính phủ vừa qua tiếp tục nhận định thị trường thiếu nhà ở xã hội và nhà thấp phù hợp nhu cầu với nhu cầu đại bộ phận người dân. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục khuyến khích phân bổ vốn cho các dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, nhà cho thuê mà không có BĐS cao cấp.

Do đó, dự thảo Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn vốn quy định những khoản vay cá nhân mua nhà có nợ gốc dưới 1,5 tỷ đồng hoặc nhà ở xã hội, mua nhà theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ, hệ số rủi ro được áp là 50%. Trong khi đó, các khoản vay trên 3 tỷ đồng sẽ có hệ số rủi ro 150% thay vì 50% như trước kia.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) khuyến nghị các doanh nghiệp cần quan tâm phân khúc thị trường nhà ở vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ), có giá bán vừa túi tiền (khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn). Đây là phân khúc chủ đạo của thị trường, có tính thanh khoản cao và bền vững. Đồng thời, các doanh nghiệp nên tham gia các chương trình xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng nặng; chương trình chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch của thành phố; chương trình nhà ở xã hội của thành phố.